Có những quán ăn gắn liền với kí ức tuổi thơ và chính vì hương vị đó mà người ta không thể quên đi, cứ luôn tìm về. Cùng RiverTour săn lùng những quán ăn có tuổi đời trên 50 năm luôn gợi nhớ về tuổi thơ của người Sài Gòn nhé!
Săn lùng 5 quán ăn Sài Gòn mang “hương vị tuổi thơ” trên 50 năm
1. Cháo lòng bà Út (quán cháo gần 90 tuổi)
Địa chỉ: 193 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1.
Nhắc đến quán ăn Sài Gòn có tuổi đời trên 50 năm thì không thể bỏ qua quán cháo lòng bà Út đã bán được gần 90 năm tuổi với hương vị quen thuộc khiến bao người phát thèm khi nhắc đến.
Cháo ở đây được nấu bằng lửa than, theo đúng kiểu Sài Thành xưa với huyết tươi được cho trực tiếp vào nồi rồi hòa thêm nước luộc lòng. Bởi thế mà cháo rất sánh mịn, có màu đỏ nâu vô cùng hấp dẫn. Một tô cháo của quán bà Út luôn có đầy đủ các loại thức ăn đi kèm như gan, phèo, tim, bao tử, dồi trường, ít rau, giá, nước mắm và đĩa bánh quẩy vàng ruộm. Đã ghé quán thì bạn nhất định phải thử món dồi chiên được chế biến theo công thức bí mật. Dồi được làm từ thịt heo, dồn thêm tí sụn sần sật trộn cùng sả băm, mang đến hương vị đủ dai, đủ béo, đủ ngọt, không hề bị ngán.
2. Hủ tiếu Nam Lợi (quán hủ tiếu 70 tuổi)
Địa chỉ: 43 Tôn Thất Đạm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1.
Một quán ăn Sài Gòn không thể bỏ qua tiếp theo đó chính là hủ tiếu Nam Lợi, đây là 1 quán gốc Hoa khá “quen mặt” với hơn 70 năm tuổi, đây được xem là món tuổi thơ với những người yêu thích món hủ tiếu, đặc biệt là hủ tiếu cá. Bằng công thức gia truyền, món ăn ở đây làm người ta ấn tượng với hương vị đậm đà, thơm ngon đúng chuẩn. Phần nước dùng được quán chế biến khá cầu kì, hầm từ xương heo, xương cá qua hàng giờ và nêm nếm bằng nhiều loại gia vị đặc trưng của người Hoa.
Tại quán có bán đầy đủ các món như mì tươi, hủ tiếu, bún gạo. Trong số đó, món được nhiều thực khách khen ngợi nhất là hủ tiếu cá. Khác với hủ tiếu truyền thống có sợi nhỏ, mềm thì sợi hủ tiếu cá lại có bản to, mỏng và dai hơn. Phần cá phía trên là cá lóc tươi được cắt lát mỏng, trước khi mang ra cho khách, người bán sẽ xếp cá vào tô, chan vào nước dùng nóng và rắc thêm hành lá, hành phi làm dậy mùi. Đặc biệt hơn, mỗi phần ăn còn đi kèm những chiếc bánh pateso nhà làm nóng hổi với lớp vỏ ngoài giòn rụm và phần nhân bên trong đậm đà.
3. Cơm thố Chuyên Ký (quán cơm 70 tuổi)
Địa chỉ: 65-67 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 1.
Cơm tấm, cơm gà, cơm niêu,… thì chắc hẳn ai cũng biết. Thế nhưng, khi nghe đến cơm thố thì lại rất ít người biết, thậm chí có người chưa từng nghe và cũng chưa ăn qua lần nào. Bởi đây là 1 món ăn truyền thống hiếm hoi còn sót lại của người Hoa.
Cơm ở đây có cách nấu khá đặc biệt, phần gạo sẽ dùng gạo Tài Nguyên và Nàng Thơm trộn lại theo tỉ lệ riêng, sau đó cho vào từng chiếc thố bằng gốm rồi hấp trong xửng đến khi chín. Nhờ cách hấp này mà từng hạt cơm vẫn giữ nguyên được mùi thơm và vị ngọt tự nhiên. Các món mặn ăn với cơm cũng rất đa dạng, chẳng hạn như gà xào bông cải, tôm rim mặn, lạp xưởng ram, mực chiên giòn,… Khi khách đến, quán sẽ làm nóng phần thức ăn và chồng lên trên phần cơm. Vì 1 thố cơm ở đây rất đầy nên mọi người hay gọi là “cơm chồng núi”. Ở cơm thố Chuyên Ký, món ăn đáng thử nhất là “hầm vĩ chưng hột vịt” có hương vị độc lạ, gần như không nơi nào bán. Chính nhờ sự độc đáo từ hương vị đến hình thức mà quán đã giữ chân được nhiều thực khách trong suốt thời gian qua.
4. Bánh mì Hoà Mã (bánh mì 60 tuổi)
Địa chỉ: 53 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3.
Có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1958, bánh mì Hòa Mã là 1 địa chỉ ăn sáng đã đi sâu vào ký ức của nhiều thế hệ người dân tại thành phố này. Bánh mì Hòa Mã vẫn giữ nguyên nét mộc mạc với chiếc xe bánh mì nhỏ và những bộ bàn ghế nhựa đặt dọc theo con hẻm.
Quán có bán “tất tần tật” các loại bánh mì, nào là bánh mì chả lụa, bánh mì pate gan, bánh mì cá mòi,… Nhưng món được gọi nhiều nhất là “bánh mì thịt nguội đủ thứ” hay còn gọi là bánh mì chảo thập cẩm. Mỗi phần sẽ bao gồm 1 ổ bánh mì nóng giòn và chiếc chảo với bên trong là trứng ốp la, jambon, pate gan, chả cá, thịt nguội, hành tây,… Kèm theo 1 chén đồ chua nhỏ để ăn kèm, chống ngán.
Bánh mì chảo ở quán Hòa Mã khác biệt ở chỗ không có nước xốt xíu mại như các quán khác, nhưng chỉ cần cho thêm tí nước tương hoặc rắc thêm tiêu xay là đã đủ để cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn này. Khi ăn, bạn có thể xé 1 miếng bánh mì, chấm vào phần lòng đỏ trứng còn sền sệt, phết 1 ít pate gan và kẹp thêm miếng chả, đảm bảo vị mặn, vị béo sẽ khiến bạn “phát nghiện” với món này.
5. Bún măng vịt Lê Văn Sỹ (bún măng vịt gần 60 năm)
Địa chỉ: 281/26/9 Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình.
Nhắc đến những món nước, dạng sợi thì ngoài phở, hủ tiếu đã quá nổi tiếng ra còn có thêm bún măng vịt. Món ăn này không chỉ ghi điểm bởi hương vị thơm ngon, đặc sắc mà còn giúp chắc bụng, no lâu. Dù không có biển tên, lại nằm sâu trong con hẻm nhỏ nhưng khách vẫn xếp hàng dài mỗi ngày để có chỗ tại bún măng vịt Lê Văn Sỹ, bấy nhiêu đó cũng đủ biết món ăn ở đây ngon cỡ nào rồi.
Thực đơn của quán chỉ xoay quanh các món làm từ vịt, nhưng cũng chỉ có đúng 2 món chính: vịt luộc và bún măng vịt. Món vịt luộc ở đây ăn kèm với mắm gừng. Nếu khách muốn nhiều vị hơn thì có thể gọi thêm gỏi vịt hoặc lòng luộc. Theo nhiều thực khách, sự thu hút của quán nằm ở khâu chế biến và lựa chọn nguyên liệu. Quán luôn chọn những con vịt cỡ vừa, ít mỡ, lớp da mỏng và chế biến khéo léo nên thịt thơm, mềm, hoàn toàn không có mùi hôi. Món ăn khách nhất ở đây là bún măng vịt. Một tô chỉ gồm bún, măng tươi, nước dùng nguyên chất từ nước luộc vịt và 1 đĩa thịt vịt luộc, đơn giản vậy thôi nhưng ai ăn cũng phải “nghiện”. Nếu muốn dùng thử, bạn hãy canh thời gian và đến lúc quán vừa mở cửa, không thôi là “hẹn lại ngày mai” đó.
Theo RiverTour.vn
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch RiverTour.vn
Theo Rivertour.vn