Có mặt tại Hội An vào ngày chủ nhật (27/9), lượng khách du lịch vẫn còn khá khiêm tốn. Hỏi một cụ già bán đồ ăn vặt bên đường, cụ bảo: “Giờ nhìn được được hơn rồi đó con, mấy bữa trước còn chẳng có miếng người mô“. Lúc trước, nhiều người cứ bảo thèm lắm một phố cổ Hội An bình yên, nhưng nhìn cảnh không có bóng người, hàng quán du lịch đóng cửa thế này quả thật là đáng lo lắng.
Nói không ngoa khi cho rằng cuộc sống hai bên sông Hoài, trừ những người có ruộng để làm nông hay làm nghề biển ra, có rất nhiều người mưu sinh là nhờ vào du lịch. Hội An nếu bình yên, vắng khách và không ồn ào thì sẽ không còn là Hội An nữa. Một cô hàng nước bên cạnh tiếp lời: “Ai thèm bình yên kệ hắn chứ, tôi muốn phố cổ sôi động nhộn nhịp lắm rồi!”
Tại chợ cá Hội An lúc 5:00 sáng, đây là nơi cung cấp cá biển tươi cho cả Quảng Nam lẫn TP. Đà Nẵng, không khí nhìn chung khá đông đúc nhưng không tấp nập như trước vì ảnh hưởng của dịch.
Đây là một trong những chợ cá sầm uất nhất Quảng Nam
Cung cấp cá cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng
Rất nhiều người dậy sớm để có thực phẩm tươi
Những tiểu thương đầu tiên đã có mặt tại trên đường ven sông Hoài, bắt đầu ngày mới mưu sinh.
Những tiểu thương dậy từ rất sớm
Không khí không sôi động như đợt trước dịch
Mọi người đều tuân thủ giữ khoảng cách tối thiểu
Một hàng quán bán đồ ăn sáng
Một đoàn đua xe đạp cùng nhau ngồi ăn sáng, uống cafe trong phố cổ Hội An.
Các hàng ăn, quán xá nhìn chung vẫn còn khá thưa khách. Người dân đa phần chọn mua đồ mang về, khách du lịch vẫn không có nhiều người đến để thưởng thức mỳ Quảng hay cao lầu như mọi khi.
Bình thường Trần Phú và những con đường du lịch của Hội An đều kín khách vào ngày cuối tuần, nhưng hôm nay vắng vẻ chẳng có ai.
Bánh mỳ Phượng vẫn là nơi tập trung đông người mua nhất. Nhưng không có cảnh hàng dài người đứng đợi như trước.
Với người dân xứ Quảng bây giờ, họ chỉ mong nỗi ám ảnh Covid-19 sớm qua đi. Phố cổ Hội An đúng nghĩa phải có sự ồn ào, có những tiếng rao và tiếng bài chòi… Hi vọng mọi người sớm quay lại với Hội An.